HLV Park Hang-seo chỉ thích hợp với tư duy “dò đường mà bước” còn HLV Troussier muốn tạo nền tảng vững chãi cho BĐVN
HLV Troussier không thiếu tài năng, chỉ có điều nhà cầm quân người Pháp đang rơi vào thế “đâm lao thì phải theo lao”, để bóng đá Việt Nam phải rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Nếu là HLV Park Hang-seo cầm đội tuyển Việt Nam để đối quần với Indonesia ở hiện tại, liệu ông có chọn Đình Bắc, Minh Trọng, Tuấn Tài, Nhâm Mạnh Dũng, Nguyễn Thái Sơn cho đội hình xuất phát, thay vì những Tiến Linh, Quang Hải, Văn Thanh hay Hồ Tấn Tài, Văn Toàn hay không? Câu trả lời chắc chắn là không. Vậy tại sao đấy lại là sự lựa chọn của HLV Troussier?
Không khó để tìm ra câu trả lời. HLV Park Hang-seo dù không ít lần nhắc đến việc bồi đắp cho các cầu thủ trẻ, cũng như thay đổi lối chơi để nâng tầm bóng đá Việt Nam, thì sự lựa chọn của ông thầy người Hàn Quốc vẫn luôn dành cho những trụ cột mang lại cho ông cảm giác an toàn, yên tâm về cả chuyên môn lẫn tâm lý.
Xét cho cùng, đúng như ông Park đã từng nói: “Người Việt Nam yêu bóng đá, nhưng chỉ là thứ bóng đá chiến thắng“, ưu tiên cao nhất của ông vẫn là thành tích, dù đối thủ của đội tuyển Việt Nam có là những đội bóng Đông Nam Á hay những “ông lớn” hàng đầu châu Á.
Lối đá “rình rập” của ông thầy người Hàn Quốc, lấy phòng ngự làm kim chỉ nam không chỉ cực kỳ phù hợp với hiện trạng của bóng đá Việt Nam, mà còn đem lại cả sự an toàn lẫn thành tích khi “cái nền” của bóng đá nước nhà là giải vô địch quốc gia vốn phải còn rất lâu nữa mới có thể nói đến chuyện chuyên nghiệp. Với bóng đá Việt Nam hiện tại, giấc mơ mang tên World Cup thực sự chỉ là “miếng bánh vẽ” không hơn không kém.
HLV Park Hang-seo rời đi, bóng đá Việt Nam “chuyển mình” với giấc mộng World Cup cùng HLV Troussier. Ông thầy người Pháp chắc chắn biết rằng dùng những trụ cột dưới thời HLV Park Hang-seo thuộc “thế hệ vàng” sẽ “nhàn” hơn rất nhiều so với lứa cầu thủ trẻ mà tài năng còn kém xa lứa đàn anh. Nhưng khi tầm nhìn của chiến lược gia này hướng tới đấu trường World Cup, với sự đồng thuận của VFF, thì lựa chọn như trận gặp Indonesia vừa qua là điều dễ hiểu.
Lối chơi mà HLV Troussier lựa chọn cho đội tuyển Việt Nam không sai, bởi đấy mới là cách để thoát khỏi “vùng trũng” Đông Nam Á để đưa bóng đá Việt Nam vươn lên. Lối chơi nặng tính “rình rập” của HLV Park Hang-seo chỉ thích hợp với tư duy “dò đường mà bước”, “được đến đâu hay đến đấy”, chứ không thể tạo nên hẳn một nền tảng vững chãi cho bóng đá Việt Nam.
Sự lựa chọn mang tên “cầu thủ trẻ” của HLV Troussier cũng không sai nốt. Sai lầm nằm ở chỗ dù được ông thầy người Pháp dìu dắt và tạo cho rất nhiều cơ hội, song lứa cầu thủ trẻ hiện tại của Việt Nam lại chỉ có trình độ quá kém so với những đàn anh thuộc “thế hệ vàng” dưới thời HLV Park Hang-seo. Nhìn cái cách Minh Trọng mắc lỗi, Khuất Văn Khang nhận thẻ đỏ, Phan Tuấn Tài “tụt hơi” trước đối thủ, hay như Đình Bắc “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”, mới thấy bóng đá Việt Nam dùng HLV Troussier là sự lãng phí ghê gớm.
Mục tiêu của cả VFF lẫn chiến lược gia người Pháp là rất cao, song “có bột mới gột nên hồ”. Với thế hệ cầu thủ trẻ đang có trong tay, sẽ phí phạm cả tài chính khi trả mức lương rất cao cho HLV Troussier, cũng như phí phạm tâm huyết của ông cho một thế hệ trẻ thất bại của bóng đá Việt Nam. Yếu tố khách quan đến từ không ít những yếu tố chủ quan của một nền bóng đá “chưa được tử tế” là nguyên nhân chuẩn xác nhất cho thất bại “10 trận thua 9” của đội tuyển Việt Nam hiện tại.
Với hiện trạng ấy, chia tay HLV Troussier là điều nên làm lúc này. Cuộc chia tay này không chỉ giải phóng cho ông thầy người Pháp khỏi “mớ bòng bong” mà mình trót vướng vào, mà còn khiến những nhà hoạch định bóng đá Việt Nam tỉnh ngộ, tránh “trèo cao ngã đau”.
Sau cuộc chia tay ấy là gì? “Thế hệ vàng” của thầy Park hoàn toàn có thể giúp đội tuyển Việt Nam trụ vững ở vị trí “ông lớn” Đông Nam Á thêm vài năm nữa. Còn sau đó thì… tính sau vậy.