Ngoại tình và ngoại hình không liên quan gì đến nhau: 8 lý do dưới đây mới chính là điều đẩy người ta đến với “kẻ thứ 3”
Ngoại tình và ngoại hình không liên quan gì đến nhau: 8 lý do dưới đây mới chính là điều đẩy người ta đến với “kẻ thứ 3”
Netizen Hàn Quốc xôn xao về câu chuyện tình của nam diễn viên Ryu Jun Yeoh cùng hai nữ diễn viên Han So Hee và Hyeri. Người trong cuộc chưa lên tiếng công nhận, người ngoài cuộc đã đồn đoán có yếu tố ngoại tình. Không ít người tranh thủ cơ hội đả kích ngoại hình Ryu Jun Yeoh, “trai xấu như vậy mà cũng khiến hai nữ diễn viên xinh đẹp phải tranh nhau?”.
Rất ít nghiên cứu đáng tin cậy có thể đưa ra kết luận về mối quan hệ giữa ngoại tình và ngoại hình. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2020 tại Mỹ bởi Dylan Selterman, Justin Garcia và Irene Tsapelas chỉ ra có 8 động lực chính dễ dẫn đến một câu chuyện ngoại tình.
“Trước khi ngoại tình, tôi và vợ đã có một cuộc cãi nhau rất lớn khiến tôi vô cùng bực bội”
Người ta thường nói về tình dục sau những lần cãi nhau như một cách để làm hoà, làm nguôi cơn giận nhưng không phải lúc nào, người ta cũng chọn cách hàn gắn này với người yêu, vợ hoặc chồng mình. Đôi khi trong khi nóng giận, nhiều người tìm đến một người thứ ba như một cách để giải toả cảm xúc xen lẫn cảm xúc trả thù.
Chúng ta luôn tự dặn lòng rằng, đừng bao giờ đưa ra những quyết định khi nóng giận. Quyết định gặp một người nào đó, quan hệ với một người khác khi nóng giận có lẽ cũng là một trong số những điều không nên làm khi nóng giận. Với nhiều người, sự nóng giận chỉ là chất xúc tác cho những ý định có thể đã nhen nhóm từ lâu nhưng với số khác, đó có thể là một quyết định bộc phát ra đời từ một cơn giận dữ.
“Tôi không thấy được là chính mình trong mối quan hệ này”
Tôi đã xem rất nhiều bộ phim để nhận ra motif này. Những người ngoại tình nhận thấy rằng họ không còn được là chính mình trong mối quan hệ, cảm giác phụ thuộc, thiếu sự độc lập. Nếu bạn xem nhiều phim Hollywood, đâu đó sẽ bắt gặp những câu thoại khi người ngoại tình nói với nhân tình như, “anh khiến em được là chính mình/tìm thấy bản thân”. Con người luôn trong một hành trình đi tìm kiếm bản thân – một bản thân toàn vẹn. Hôn nhân hay các mối quan hệ yêu đương cũng là một chặng đường trên hành trình cá nhân ấy.
Hai người bước vào mối quan hệ không phải hai mảnh ghép; họ là những cá thể tròn vẹn tự chủ. Khi thấy mình không còn là một chủ thể độc lập, nhiều người chọn cách bước ra, bằng cách ngoại tình.
“Tôi không chắc liệu anh ấy còn yêu tôi nữa không?”
Hoặc ngược lại, tôi không chắc tôi còn yêu anh ấy không. Sự phai nhạt trong tình cảm là một trong những động lực của ngoại tình. Trong bất cứ mối quan hệ nào, đến một lúc nhất định, đối phương sẽ cảm thấy điều đó. Nhưng chúng ta quên mất rằng, sự gắn kết lâu dài của hai cá nhân không phải chỉ đến từ tình yêu. Đôi khi với tôi, sự đồng điệu, trách nhiệm, cảm giác quen thuộc, sự gắn bó và thấu hiểu quan trọng hơn khi đã đi một quãng đường dài.
“Tôi không chắc anh ấy còn có phải người tôi yêu không nữa” – không ai có thể là “Mr.right” mãi mãi của một người. Trong một thế giới ngợi ca tình yêu như một lẽ sống, đôi khi người ta sẵn sàng bước ra khỏi một mối quan hệ khi “lẽ sống” ấy nguội tắt. Với tôi, đó là một điều đáng buồn.
“Tôi không thực sự sẵn sàng cho mối quan hệ này”
Thiếu sự cam kết là nguyên nhân cho nhiều mối quan hệ rạn nứt. Không phải ngẫu nhiên, nhiều người phản đối việc sống thử. Tôi không bình luận việc sống thử là đúng hay sai nhưng từ góc độ của những người phản đối, sống thử thể hiện sự thiếu cam kết, gắn liền với cuộc sống hiện đại khi nhiều người không sẵn sàng bước vào hôn nhân khi chưa hình dung ra được cuộc sống hôn nhân sẽ như thế nào.
Khi các ứng dụng hẹn hò trở thành không gian chính cho tình yêu và xa hơn là hôn nhân, chúng ta bước vào những mối quan hệ với niềm tin rằng, sẽ luôn có một ai đó tốt hơn ở đâu đó, trong hàng triệu người dùng của các ứng dụng hẹn hò đang chờ mình. Tôi được nghe câu cửa miệng của nhiều người bạn (và đôi khi trong suy nghĩ của tôi) rằng, “biết đâu sẽ có một người tốt hơn.” Mỗi lần chúng ta tặc lưỡi tự hỏi như vậy, sự cam kết trong mối quan hệ có lẽ lại bớt đi một chút vì luôn có một đường lùi an toàn.
“Tôi muốn thử nghiệm nhiều mối quan hệ mới hơn”
Với không ít người, lựa chọn ngoại tình đơn giản chỉ vì nhu cầu thử những mối quan hệ mới. Tình yêu của họ có thể vẫn đầy nồng nhiệt, mối quan hệ vẫn tích cực, không có những dấu hiệu rạn nứt hay thiếu sự cam kết. Chỉ đơn giản rằng, những thứ lặp đi lặp lại khiến nhiều người muốn tìm một thứ mới mẻ. Dù xoay quanh những mối quan hệ 3 người, 4 người là rất nhiều những tranh luận và phản đối trên khía cạnh đạo đức và bản chất của tình yêu, không thể phủ nhận rằng chúng vẫn đang tồn tại.
“Người yêu tôi không còn quan tâm tôi nữa”
Tôi không nhớ đã đọc được bao nhiêu bài đăng trong những nhóm tâm sự khi người dùng chia sẻ tình huống của mình và hỏi xem, liệu đó có phải dấu hiệu của ngoại tình hay không. Người yêu tôi dạo này không hỏi thăm tôi mỗi ngày nữa, cô ấy ít nhắn tin hay gọi điện cho tôi mỗi tối, cách nói chuyện của anh ấy khác lắm, anh ấy còn chẳng buồn dùng…. emoji mà lạnh nhạt vô cùng….
Xa cách – chúng ta đổ lỗi cho việc xa cách là nguyên nhân dẫn đến ngoại tình. Thú vị hơn, đôi khi chính những cảm giác ấy lại khiến một người ngoại tình trước. Điều này quay lại một nguyên nhân cốt lõi của việc ngoại tình hay các mối quan hệ thiếu bền vững: Chúng ta không nói chuyện với nhau. Thay vì hỏi người yêu xem dạo này có vấn đề gì không, chúng ta tìm đến những người lạ với giả định rằng người yêu mình đang ngoại tình để tìm lời khuyên dù biết chắc chắn rằng, những người lạ “khát drama” trên mạng xã hội sẽ giúp bạn có thêm niềm tin rằng người yêu bạn đang ngoại tình.
Thiếu sự quan tâm có thể là nguyên nhân thực sự dẫn đến ngoại tình nhưng có lẽ mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta chịu bước vào những cuộc hội thoại khó để trao đổi vấn đề và mong muốn của chính mình.
“Người yêu tôi không còn hứng thú với chuyện tình dục nữa”
Đó là một vấn đề không dễ để mở lời nhưng lại là nguyên nhân chính cho nhiều sự rạn nứt. Văn hoá Á Đông “nhốt” chuyện phòng the trong những giao tiếp phi ngôn ngữ, kiệm lời nhiều nghĩa, với tinh thần “chúng ta không nói thẳng với nhau nhưng em phải hiểu ý anh muốn”. Sự mất cân đối trong nhu cầu tình dục có thể là động lực dẫn đến ngoại tình.
“Vợ anh bầu, em chiều anh một tí,” tôi nghĩ phim truyền hình Việt Nam khai thác motif này rất nhiều khi khắc hoạ nam giới ngoại tình. Tại sao lại như vậy? Vì trong những tháng thai kỳ của phụ nữ, nhiều nam giới vẫn có nhu cầu tình dục trong khi không ít phụ nữ sẽ trải qua những biến đổi về cơ thể, vừa bất tiện trong sinh hoạt tình dục, vừa ảnh hưởng đến nhu cầu và ham muốn. Nhưng rõ ràng, có nhiều giải pháp khác thay vì ngoại tình nếu hai bên chịu mở lời với nhau.
Tình dục là một câu chuyện khó nhưng không nên là vùng cấm để đẩy hai người vào thế giới ngoai tình của riêng mình. Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21 chứ không còn nương mình trong một quá khứ nơi tình dục là chuyện cấm kỵ.
“Tôi đã quá say và không suy nghĩ tỉnh táo”
Ngoại tình cũng nảy sinh từ những tình huống không đáng có. Mọi thứ trong cuộc sống hôn nhân hay tình yêu đều ổn nhưng một ngày đẹp trời, trong một buổi tiệc cơ quan cuối năm, trong cơn say rượu hay sử dụng chất kích thích, nhiều người không nhận thức được hành động của bản thân hoặc bị tác động mạnh bởi những yếu tố bên ngoài.
Chúng ta có thể không kiểm soát được bản thân trước tác động của chất kích thích nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra giới hạn trước khi quyết định sử dụng chất kích thích hay uống rượu bia để không dẫn đến những tình huống như vậy.
***
Nếu bạn đang nhen nhóm một ý tưởng ngoại tình, tin không vui cho bạn rằng chỉ có khoảng 1/10 mối quan hệ ngoại tình có thể chuyển thành một mối quan hệ chính thức và cả hai người đều cam kết xây dựng mối quan hệ đó. Phần lớn thời gian, chúng ta tiếc nuối những gì đã đánh mất, dằn vặt bản thân trong tội lỗi, hy vọng có thể sửa chữa lỗi lầm và hàn gắn với người cũ. Nhưng đáng tiếc, cứ 5 mối quan hệ thì có một mối quan hệ sẽ chấm dứt sau những dấu hiệu ngoại tình.
Mỗi người có thể nghĩ ra 8 lý do cho câu chuyện ngoại tình, hay 80 lý do cũng được nhưng tất cả lý do ấy cũng không thể bao biện cho câu chuyện ngoại tình. Trong các tranh luận đạo đức trên nhiều lĩnh vực, ngoại tình luôn là điều được phần đông phản đối. Tôi từng xem một video tranh luận về câu chuyện ngoại tình và ở dưới có những bình luận, “nghiêm túc ư, chúng ta cần tới 1 tiếng để nghĩ xem ngoại tình là đúng hay sai à?”.
Công chúng không ghét người ngoại tình chỉ vì tính cách hay con người họ – đôi khi chúng ta còn không biết họ là ai; công chúng ghét người ngoại tình vì lo sợ rằng một ngày nào đó, bản thân chúng ta sẽ là nạn nhân của một vụ ngoại tình. Ngoại tình vượt ngoài không gian cá nhân khi ai cũng thấy mình trong đó, chỉ là trong những vai khác nhau ở một thời điểm khác nhau trong cuộc đời.